Tin TCP/

Những hư hỏng khi đi đường ngập nước và cách xử lý

       Xe ô tô ngập nước là nỗi ám ảnh của tài xế khi di chuyển vào những ngày mưa bão. Xe đi qua vùng nước ngập gây tổn hại nghiêm trọng đến động cơ nên lái xe cần nắm rõ các thao tác xử lý kịp thời.

       Theo nhiều chuyên gia về kỹ thuật ô tô, khi xe không may đi vào đoạn đường ngập nước mà không được xử lý đúng cách sẽ có nguy cơ hỏng hóc rất nặng, đồng thời có ảnh hưởng dai dẳng về sau. Chi phí để sửa chữa đối với các xe bị hỏng hóc do ngập nước cũng rất "mặn" và chiếc xe đó về sau sẽ khó bán.

       Dưới đây là một số hư hỏng mà ô tô của bạn có thể gặp phải khi không may ngập nước và cách khắc phục:

  1. Xe bị thủy kích

       Thủy kích là hiện tượng nước tràn vào trong xilanh động cơ thông qua đường nạp (đường hút gió). Lượng nước tràn vào khiến nhiên liệu không thể đốt cháy được, làm xe chết máy đột ngột. 

       Trong trường hợp này,  tài xế nếu cố gắng nổ máy có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Nước là chất lỏng không thể bị nén dù piston vẫn đi lên với vận tốc và lực rất lớn. Do đó, nếu người lái cố tình nổ máy sẽ khiến nước bị hút sâu vào động cơ thông qua đường nạp mở, sinh ra lực cản lớn,  khiến tay biên bị cong vênh hoặc trục khuỷu bị gãy, thậm chí có thể làm hỏng xupap và mặt máy, vỡ block máy, hư hại toàn bộ động cơ… 

       Thủy kích có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho động cơ.. Chi phí sửa chữa cho các trường hợp xe bị thủy kích khá lớn. Lái xe có thể phải bỏ tới hàng chục triệu đồng để thay tay biên thậm chí hàng trăm triệu đồng trong trường hợp phải thay cả cụm động cơ mới. Ngoài ra, việc thay thế động cơ còn làm xe giảm giá trị đáng kể. 

       Một số hình ảnh hư hỏng do thủy kích gây ra:

              

      Trường hợp đi vào vùng ngập, tài xế hãy giữ đều ga và duy trì vòng tua máy hợp lý đồng thời giữ khoảng cách với các xe cùng chiều/ngược chiều, tránh tạo sóng làm nước dâng cao hơn.

        Với xe số sàn, về số 1 và tuyệt đối không đạp côn khi đang chạy qua chỗ ngập để tránh bị tắt máy giữa chừng. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động để tránh tình trạng xe tự chuyển về số thấp khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô.

        Từ tốn chạy qua vùng ngập. Giữ đều ga và duy trì vòng tua máy phù hợp. Lưu ý tránh xe cùng chiều hoặc ngược chiều bởi nó có thể tạo sóng, khiến nước dâng cao hơn và tràn vào hệ thống hút gió.

        Khi xe ở vùng ngập nước và chết máy, lái xe không được nổ máy và cũng không nên mở cửa xe. Bởi nếu nước cao hơn thành cửa sẽ tràn vào cabin gây hư hỏng nội thất. Thay vào đó, lái xe hãy đứng yên tại chỗ và gọi cứu hộ ô tô để được hỗ trợ. 

        2. Hư hỏng hệ thống cung cấp nhiên liệu

        Kể cả khi được nắp chặt, nước từ bên ngoài rất có thể sẽ lọt vào hệ thống cung cấp nhiên liệu khi chiếc xe bị ngập sâu trong nhiều giờ. Xe bị ước lọt vào bình nhiên liệu sẽ khiến ô tô xuất hiện hiện tượng như máy rung giật, mất công suất, có tiếng kêu lớn từ động cơ, xe đang chạy bị tắt máy,…

        Trường hợp nước lọt vào bình nhiên liệu có thể làm cho ô tô bị rung giật, động cơ xuất hiện tiếng kêu lớn, xe tắt máy đột ngột... Lúc này, lái xe không nên cố nổ máy lại vì có thể làm hỏng cho động cơ. Thay vào đó, hãy liên hệ với đội cứu hộ để đưa xe tới trung tâm chăm sóc để đưa xe về kiểm tra

         3. Hư hỏng hệ thống điện

        Điện là hệ thống dễ bị hư hỏng nhất nhất khi xe ô tô ngập nước. Khi nước ngập và ảnh hưởng đến hệ thống điện có thể dẫn đến nguy cơ chập điện, rất nguy hiểm. Hệ thống điện gặp vấn đề sẽ khiến đèn pha, đèn xi-nhan, đèn nội thất, hệ thống điều hòa, hệ thống âm thanh giải trí,… tê liệt, thậm chí hỏng hóc toàn bộ.

       Ngay cả khi chiếc xe hết ngập, hệ thống dây điện và các đầu cắm chạy quanh thân xe và khu vực điều khiển trung tâm vẫn có thể còn đọng nước bên trong dẫn đến chập cháy. Do vậy, cần kiểm tra lại và xịt khô toàn bộ tiếp điểm, giắc nối, dây diện và các cọc của bình ắc-quy trước khi khởi động xe.

        Cần kiểm tra lại và xịt khô các bộ phận trong khoang máy, đặc biệt là các tiếp điểm, giắc nối, dây điện, các cọc của bình ắc-quy để tránh chập cháy.

        Một số kinh nghiệm khi lái xe qua vùng ngập nước:

     -  Chú ý quan sát và ước lượng: Đầu tiên, đi chậm hoặc dừng xe lại hoàn toàn trước đoạn đường ngập để quan sát những xe đi trước để ước lượng độ sâu của mực nước. Nếu có những chiếc xe tương tự như xe mình qua được thì mới cho xe qua, không nên cố lội nước quá sức để tránh rủi ro.

     -  Đi số thấp, tắt điều hoà: Khi đã xác định xe bạn có thể lội qua được vùng nước sâu, hãy về số thấp và đi đều chân ga để tránh nước vào buồng đốt hoặc ống xả. Đồng thời, tắt điều hòa nhiệt độ để không ảnh hưởng đến công suất của xe. Không dừng xe đột ngột hoặc mở cửa ở vùng nước sâu trừ trường hợp bất khả kháng.

     -  Kiểm tra xe sau khi vượt qua đoạn ngập: Sau khi đi qua đoạn đường ngập, nên dừng lại kiểm tra lại xe một lần trước khi tiếp tục hành trình. Loại bỏ cỏ rác, cành cây bị mắc vào thân xe và kiểm tra xem nước đã bị chui vào khoang lái hay chưa, nếu có thì ngay sau đó phải tiến hành sấy khô để tránh hư hỏng các bộ phận của xe.

       Kính Chúc quý khách hàng lái xe an toàn trong những ngày mưa bão. Cám ơn Quý khách đã lựa chọn Toyota Cẩm Phả làm bạn đồng hành trên mọi chặng đường.